THẨM MỸ SẸO MỤN TRỨNG CÁ
(Acne scars)
TS.BS. Phạm Cao Kiêm
Thế nào là sẹo mụn ?
Sẹo mụn hay còn gọi là sẹo trứng cá là do quá trình xơ hóa mà bản chất là sự kiến tạo của tổ chức colagen nhằm lấp đầy tổ chức bị chấn thương, viêm nhiễm. Có khoảng 30% trứng cá thể trung bình và trứng cá thể nặng để lại sẹo xấu. Sẹo xấu rất hay gặp ở bệnh nhân trứng cá dạng nang, trứng cá bạo phát.
Cách tốt nhất để phòng tránh sẹo là điều trị trứng cá càng sớm càng tốt. Nếu đã bị sẹo rồi thì tìm đến bác sĩ chuyên khoa Da liễu, Thẩm mỹ để điều trị khoa học, an toàn và hiệu quả.
Hậu quả của sẹo mụn là gây biến dạng tổ chức, làm mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân.
Quá trình hình thành sẹo mụn
Sự hình thành sẹo mụn qua 3 giai đoạn
Giai đoạn viêm
- Trong giai đoạn này có sự co giãn mạch làm thay đổi màu sắc da, và gây đỏ da sau mụn. Đồng thời có sự kích thích sản sinh melanin gây tăng sắc tố sau viêm.
- Các tế bào hạt, bạch cầu, lympho bào, đại thực bào… được hoạt hóa để giải phóng các chất trung gian sẵn sàng cho quá trình tạo mô hạt.
- Có sự liên quan giữa mức độ và thời gian viêm với sự hình thành sẹo mụn. Do đó, điều trị sớm, nhiệt tình là cách tốt nhất để ngăn ngừa sẹo mụn [1][4].
Giai đoạn hình thành tổ chức hạt
- Đây là giai đoạn hình thành tân mạch và sửa chữa tổ chức bị phá hủy. Đơn bào thay thế bạch cầu trung tính. Đại thực bào tiết ra các yếu tố như: yếu tố phát triển nguồn gốc tiểu cầu, yếu tố phát triển nguyên bào sợi, yếu tố phát triển chuyển dạng α và β, các yếu tố này kích thích sự di chuyển và phát triển của nguyên bào sợi.
- Collagen mới được hình thành vào ngày thứ 3 – 5 sau chấn thương. Ở giai đoạn đầu collagen tuýp III chiếm ưu thế, collagen tuýp I chỉ chiếm 20%. Cân bằng collagen dần dần trở về bình thường như da lành (collagen tuýp I chiếm 80%) khi sẹo ổn định [1][4].
Giai đoạn tái tạo tổ chức
- Nguyên bào sợi, tế bào sừng sản xuất ra collagen và elastin, matrix metalloproteinases (MMPs) ức chế sản xuất collagen và elastin.
- Mất cân bằng tỷ lệ MMPs với yếu tố sinh collagen và elastin tạo lên sẹo teo da hoặc sẹo phì đại. Nếu đáp ứng không đủ sẽ làm giảm collagen và hình thành sẹo teo. Ngược lại, nếu lành sẹo quá mức sẽ hình thành sẹo phì đại [1].
Phân loại sẹo mụn
Phân loại theo hình thái học: sẹo teo da được phân thành sẹo đáy nhọn, sẹo đáy chảo và sẹo đáy hộp.
Phân loại |
Đặc điểm lâm sàng |
Sẹo đáy nhọn |
< 2 mm, sâu, thành dốc hình đáy phễu |
Sẹo đáy chảo |
Kích thước 4 – 5 mm, các sợi sơ neo bám lớp bì với tổ chức dưới da gây ra hiện tượng bóng bề mặt, lượn sóng. |
Sẹo đáy hộp
|
Sẹo hình tròn hoặc bầu dục, có bờ dốc đứng xuống đáy sẹo. Sẹo đáy hộp có thể nông 0,1 – 0,5 mm, có thể sâu ≥ 0,5 mm. Rộng 1,5 mm – 4 mm đường kính [1][5]. |
Phân theo theo chất lượng sẹo: Phân loại theo Goodman và Baron
Sẹo mụn |
Mức độ |
Lâm sàng |
1 |
Nhẹ |
Chỉ thay đổi về màu sắc: đỏ, tăng hoặc giảm sắc tố. Không thay đổi về hình thái sẹo. |
2 |
Trung bình |
Không nhìn thấy sẹo teo hoặc sẹo phì đại ở khoảng cách > 50 cm, và có thể dấu sẹo nhờ trang điểm, nhờ râu. |
3 |
Nặng |
Nhìn thấy sẹo ở khoảng cách > 50 cm, khó dấu sẹo bằng trang điểm, ria mép. Sẹo phẳng khi căng da. |
4 |
Rất nặng |
Nhìn rõ sẹo ở khoảng cách > 50 cm, không dấu được sẹo bằng trang điểm, ria mép. Sẹo không phẳng khi căng giãn da [1][4]. |
Sẹo phì đại, sẹo lồi
- Sẹo phì đại và sẹo lồi là do tổng hợp quá mức collagen và giảm hoạt động của men tiêu collagen (MMPs).
- Sẹo phì đại có màu đỏ, nổi cao, chắc, bó collagen dày, nằm trong giới hạn của thương tổn ban đầu.
- Sẹo lồi màu tím, phát triển ra ngoài bờ của thương tổn ban đầu.
- Mô bệnh học: dày đặc các bó collagen.
- Hai loại sẹo này phổ biến ở người có da sẫm màu và chủ yếu xảy ra ở thân mình [1][5]. Điều trị sẹo
- Phòng sẹo mụn là quan trọng nhất. Cách phòng chống sẹo mụn tốt nhất là điều trị mụn trứng cá càng sớm càng tốt, tích cực để giảm thời gian và cường độ viêm.
- Sử dụng silicon gel để ngăn ngừa sẹo.
- Retinoid dạng bôi có tác dụng ngừa sẹo, tuy nhiên còn phải nghiên cứu thêm [1].
Sẹo teo da
Peel da hóa chất
- Glycolic acid: nồng độ 70%, cách nhau 2 tuần, thực hiện 5 lần để đạt hiệu quả. Glycolic acid có tác dụng bạt sừng, ly giải melanin, tăng acid hyaluronic và collagen.
- Dung dịch Jessner: gồm salicylic acid, resorcinol chứa 95% ethanol. Tác dụng phá vỡ liên kết hydro trong tế bào sừng để thuốc ngấm sâu vào trong và bong sừng.
- A xit pyruvic: nồng độ 40% - 70% có tác dụng phân giải tế bào sừng, kháng khuẩn, kích thích sản xuất collagen và elastin.
- Salicylic acid: có hiệu quả trong điều trị mụn với nồng độ 20% - 30% trong nhiều lần, mỗi lần cách nhau 3 - 4 tuần. Biến chứng có thể gặp là ngộ độc salicylic (salicylism): thở nhanh, ù tai, mất thính lực, hoa mắt chóng mặt, đau quặn bụng, hội chứng thần kinh trung ương.
- Trichloroacetic acid (TCA): có tác dụng đông vón tế bào sừng. Mức độ tác dụng phụ thuộc vào nồng độ, giải phẫu, chuẩn bị. Nồng độ 10% - 20% tác dụng peel rất nông, 25% - 35% tác dụng peel nông (thấm sâu toàn bộ thượng bì), 40% - 50% tác động đến lớp nhú, > 50% tác dụng đến lớp đáy.
- TCA cross: dùng một lượng nhỏ TCA với nồng độ 70% - 100% thoa trên bề mặt sẹo mụn để kích thích sản sinh collagen [1].
Bào mòn da: bào mòn da, vi bào mòn da bằng đầu kim cương có tác dụng loại bỏ bề mặt da bị tổn thương để thúc đẩy quá trình tái tạo biểu mô. Bào mòn da loại bỏ toàn bộ thượng bì, tới lớp nhú. Vi bào mòn da chỉ loại bỏ một phần lớp thượng bì.
Radiofrequency (RF)
- RF tạo ra dòng điện đốt nóng, co rút da, và kích thích tạo collagen.
- Khoảng cách giữa các lần điều trị từ 4 – 6 tuần (thời gian để tái tạo collagen). Kim sâu 1,5 mm cho vùng trán, bệnh nhân chủ yếu sẹo đáy nhọn hoặc sẹo kết hợp dùng kim dài tới độ sâu 3,5 mm cho lần quét đầu tiên, kim dài 2,5 mm cho lần quét thứ hai, và kim dài 1,5 mm cho lần quét thứ ba. Mức năng lượng 35 w – 40 w ở đầu kim 3,5 mm, 30 w – 35 w cho đầu kim 2,5 mm, và 25 w – 30 w cho đầu kim 1,5 mm. Số lần điều trị từ 3 - 7 lần, phụ thuộc và từng bệnh nhân.
- Kết quả nghiên cứu cho thấy RF có hiệu quả trên sẹo đáy chảo và sẹo đáy hộp với độ cải thiện khoảng 70%. Có thể sử dụng RF đơn độc hoặc kết hợp với các kỹ thuật khác như peel, cắt đáy sẹo để tăng hiệu quả điều trị sẹo. Ưu điểm của RF là ít biến chứng, thời gian phục hồi nhanh [5][8].
Trị sẹo mụn bằng laser
- Có hai loại laser sử dụng trong điều trị sẹo mụn là laser tái tạo bề mặt và laser không tái tạo bề mặt. Laser tái tạo bề mặt như Erbium YAG, laser CO2. Laser không tái tạo bề mặt như Nd: YAG, diod laser, fractional CO2.
- Laser tái tạo bề mặt có tác dụng làm tan chảy và bốc bay bề mặt thương tổn để tái tạo lớp biểu bì, hiệu quả điều trị sẹo mụn 50% - 80%. Laser không tái tạo bề mặt có tác dụng kích thích lành thương, khuyếch đại quá trình sản xuất nguyên bào sợi, kích thích sản sinh collagen, nâng cao sẹo mụn. Hiệu quả điều trị sẹo mụn của laser không tái tạo bê mặt từ 43% - 80%. Về hiệu quả thì laser vi điểm và laser tái tạo bề mặt như nhau. Tuy nhiên, laser tái tạo bề mặt có nguy cơ biến chứng cao hơn (nhiễm khuẩn, đỏ da, tăng sắc tố sau viêm, sẹo) nhất là người da màu. Tác dụng không mong muốn của laser không tái tạo bề mặt thấp hơn về tỷ lệ, nhẹ hơn về mức độ [1][2].
Kỹ thuật punch: dùng punch để nâng sẹo lõm lên cao hơn hoặc cắt bỏ sẹo nhỏ.
Ghép da: dùng mảnh da ghép dày toàn phần hoặc bán phần để thay thế tổ chức tổn thương.
Chất làm đầy: Ghép mỡ, filler, collagen, tiêm PLLA (Scultra)...[1][5][7][9].
Lăn kim
- Ủ tê 60 phút trước thủ thuật.
- Kim lăn hoặc máy lăn kim. Kim dài 1,5 mm – 2 mm, mật độ kim 250 – 300/cm2. Thực hiện kỹ thuật kim lăn kim theo 4 hướng: ngang, dọc, chéo trái và phải.
- Tác dụng của lăn kim là kích thích tạo nhiều yếu tố tăng trưởng, sản sinh collagen, elastin và làm dày lớp bì.
- Hiệu quả nhìn thấy sau 6 tuần, kết quả rõ nét sau 3 tháng, cấu trúc da tiếp tục được cải thiện đến 12 tháng.
- Liệu trình thực hiện: 1 - 8 lần, mỗi lần cách nhau 4 - 6 tuần.
- Ưu điểm nổi bật của lăn kim là giá thành rẻ, ít tác dụng không mong muốn hơn so với các kỹ thuật khác [1][4].
Cắt đáy sẹo: sử dụng kim để cắt tổ chức liên kết, tổ chức xơ neo từ lớp bì xuống lớp dưới da, giải phóng lớp bì, lớp bì nổi lên cao sau cắt đáy sẹo. Kết quả tốt hơn nếu kết hợp với RF, fractional CO2 [5][6].
Điều trị kết hợp
- Đầu tiên sử dụng Fractional CO2, thực hiện 01 lần/tháng, mỗi lần 4 lượt quét, mật độ 350 – 800 điểm/cm2, năng lượng 25 mJ. Sau 2 tuần sử dụng fractional CO2 thì tiến hành chấm TCA 100% và cắt đáy sẹo bằng kim 2 lần trong 2 – 3 tháng.
- Fractional CO2 + PRP: nghiên cứu cho thấy kết hợp fractional CO2 với PRP cho kết quả tốt hơn chỉ điều trị bằng fractional CO2 đơn thuần.
- Kết hợp lăn kim với PRP.
- Lăn kim + glycolic acid 35%. Peel da bằng glycolic 35%, sau 3 tuần lăn kim.
- Fractional CO2 + nâng sẹo bằng punch.
- Cắt đáy sẹo + hút áp lực âm để nâng bề mặt sẹo.
- Fractional Erbium laser + PRP [3][6][8].
Điều trị theo loại sẹo mụn
Loại sẹo |
Điều trị |
Đáy chảo |
IPL, PDL, picosure laser, TCA 70%, Fractional CO2, Hyaluronic acid, cắt đáy sẹo, fractional erbium, kim lăn, Er: YAG, 1450 nm laser hồng ngoại, cắt đáy sẹo + 1320 nm Nd: YAG, cắt đáy sẹo + bào mòn da, lăn kim + PRP. |
Đáy hộp |
Cắt bỏ, Fractional laser, TCA, Fractional Erbium, 1540 nm fractional laser, Er: YAG laser, 1450 nm laser hồng ngoại trung bình + TCA, cất đáy sẹo + 1320 nm Nd: YAG, cắt đáy sẹo + bào mòn da, lăn kim + PRP, fractional RF hai cực. |
Đáy nhọn |
Cắt bỏ sẹo, fractional Erbium laser, fractional CO2 laser, RF, lăn kim, TCA 70%, cắt đáy sẹo + bào mòn da, PRP. |
Sẹo lồi, sẹo phì đại |
NAFL, TCA 70%, PDL, Triamcinolone acetonide, corticosteroid, silicon gel, fluorouracil, triết xuất hành, fractional CO2, ni tơ lạnh, isotretinoin. |
Tóm lại: Để cải thiện tình trạng sẹo xấu do mụn trứng cá, làm cho khuân mặt đẹp hơn, xinh hơn, giảm stress và gánh nặng tâm lý do sẹo mụn, bạn phải gặp bác sĩ chuyên khoa để khám, tư vấn và đưa ra giải pháp cũng như liệu trình tối ưu nhất.
Mọi chi tiết xin liên hệ TS.BS Phạm Cao Kiêm tại Thẩm mỹ Dr.Kiem. Địa chỉ KC44 Cầu Tân Thuận 1, đường Huỳnh Tấn Phát, Quận 7, TP Hồ Chí Minh.
Tài liệu tham khảo
1. Gabriella Fabbrocini, M. C. Annunziata, V. D’Arco, V. De Vita, G. Lodi, M. C. Mauriello, F. Pastore, and G. Monfrecola (2010), Acne Scars: Pathogenesis, Classification and Treatment, Dermatology Research and Practice,1-13.
2. Ding -Ding Zhang, Wan - Yi Zhao, Qing - Qing Fang at al (2020), The efficacy of fractional CO2 laser in acne scar treatment: A meta-analysis, Dermatologic Therapy, 34:e14539.
3. Won Hyoung Kang, Yun Jeon Kim, Won Sik Pyo, Sung Jin Park, Jile Hoon Kim (2009), Atrophic acne scar treatment using triple combination therapy: Dot peeling, subcision and fractional laser, Journal of Cosmetic and Laser Therapy, 11: 212–215.
4. G. Fabbrocini, N. Fardella, A. Monfrecola, I. Proietti, D. Innocenzi (2008), Acne scarring treatment using skin needling, Clinical and Experimental Dermatology, 34, 874 – 879.
5. Azadeh Goodarzi, Elham Behrangi, Mohammadreza Ghassemi, Niloufar Najar Nobari, Afsaneh Sadeghzadeh-Bazargan, Masoumeh Roohaninasab (2020), acne scar; a review of classification and treatment, Journal of critical reviews, 7- 7: 1108 – 1111.
6. S Aalami Harandi, K Balighi, V Lajevardi, E Akbari (2011), Subcision-suction method: a new successful combination therapy in treatment of atrophic acne scars and other depressed scars, Journal of the European Academy of Dermatology and Venereology, 25, 92 – 99.
7. Kenneth BEER (2007), A Single-Center, Open-Label Study on the Use of Injectable Poly-L-lactic Acid for the Treatment of Moderate to Severe Scarring from Acne or Varicella, Dermatol Surg 33:S159–S167.
8. Monica Boen, Carolyn Jacob (2019), A Review and Update of Treatment Options Using the Acne Scar Classification System, Dermatol Surg, 45:411–422.
9. Harjoat Riyat, Leila L. Touil, Matthew Briggs, Kayvan Shokrollahi (2017), Autologous fat grafting for scars, healing and pain: a review, Scars, Burns & Healing, Volume 3: 1–16.