BỚT SÙI THƯỢNG BÌ
(Epidermal nevus)
TS.BS. Phạm cao kiêm
I. ĐẠI CƯƠNG
Bớt sùi thượng bì hay còn gọi là bướu sùi là một loại u bẩm sinh, xuất hiện từ khi sinh hoặc trong năm đầu đời.
Tỷ lệ gặp bớt sùi thượng bì khoảng 1/1000 trẻ sơ sinh.
Nguyên nhân gây ra bướu sùi thượng bì chưa rõ ràng, đến nay người ta thấy có vai trò của đột biến gen và của HPV (Human Papilloma Virus) trong cơ chế bệnh sinh.
Bớt sùi thượng bì có biểu hiện lâm sàng đa dạng, trong đó hay gặp nhất là bướu sùi thượng bì và bướu tuyến bã.
Bớt sùi thượng bì đặc trưng trên mô bệnh học bởi sự quá sản lành tính của các thành thuộc thượng bì, bao gồm các tế bào sừng, tuyến bã, đơn vị nang lông – tuyến bã, tuyến apocrine và eccrine. Dựa vào thành phần chiếm ưu thế trên hình ảnh giải phẫu bệnh của tổn thương mà người ta chia bướu tuyến bã thành 5 thể:
- Bớt sùi thượng bì (verrucous epidermal nevus): nếu các tế bào sừng chiếm đa số.
- Bớt tuyến bã (nevus sebaceous): nếu cấu trúc tuyến bã chiếm đa số.
- Bớt nang lông – tuyến bã: nếu cấu trúc của nang lông – tuyến bã chiếm ưu thế.
- Bớt tuyến mồ hôi toàn hủy (eccrine nevus): nếu tuyến eccrine chiếm ưu thế.
- Bớt tuyến mồ hôi đầu hủy (apocrine nevus): nếu cấu trúc tổn thương đa số là tuyến apocrine.
Bớt sùi thượng bì thường lành tính, không ảnh hưởng tới chức năng của các cơ quan, chủ yếu gây mất thẩm mỹ. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp rất hiếm gặp, bướu thượng bì là một biểu hiện nằm trong hội chứng bướu thượng bì (epidermal nevus syndrome) gây ảnh hưởng tới rất nhiều cơ quan quan trọng trong đó có hệ tim mạch, thần kinh và mắt.
II. LÂM SÀNG
Bớt sùi thượng bì có biểu hiện lâm sàng đa dạng, có sự khác biệt đôi chút giữa các thể khác nhau. Tuy nhiên, trên lâm sàng chủ yếu gặp bướu sùi thượng bì và bướu tuyến bã.
1. Bướu sùi thượng bì.
Tổn thương cơ bản là dạng sẩn có màu vàng nâu hoặc màu màu da, ranh giới rõ với da lành. Các tổn thương này có thể liên kết với nhau tạo thành mảng, bề mặt của mảng có dạng u nhú.
Tổn thương có thể khu trú hoặc lan toả. Trong nhiều trường hợp, tổn thương phân bố thành dải theo đường Blaschko (bướu sùi thượng bì thành dải). Tổn thương có thể chỉ bị một bên cơ thể hoặc lan toả toàn bộ hai bên cơ thể.
Vị trí thường gặp của bướu sùi thượng bì là ở chi dưới, sau đó là ở thân mình, ít gặp ở đầu mặt cổ.
Theo thời gian, tổn thương thường dày hơn và sẫm màu hơn.
Phần lớn bệnh nhân thường không có triệu chứng cơ năng. Một vài trường hợp tổn thương có thể đỏ kèm theo ngứa và bong vảy trong trường hợp bướu sùi thượng bì thành dải có viêm (một biến thể của bướu sùi thượng bì).
2. Bớt tuyến bã
Bớt tuyến bã thường gặp ở da đầu, ít gặp ở mặt và toàn thân. Lâm sàng bướu tuyến bã thường phát triển theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (từ khi mới sinh tới tuổi dậy thì): Tổn thương là dạng dát hoặc mảng, ranh giới tương đối rõ với da lành. Nếu là tổn thương ở da đầu thì đa số các trường hợp tóc không mọc tại tổn thương.
Giai đoạn 2 (tuổi dậy thì tới tuổi trưởng thành): Tổn thương mới biểu hiện rõ ràng, do thời kỳ này là thời kỳ tuyến bã phát triển mạnh, bệnh nhân thường đến viện khám ở giai đoạn này. Tổn thương cơ bản là những mảng kích thước từ vài milimet tới vài centimet, ranh giới rõ với da lành, thường có màu vàng da cam. Bề mặt của tổn thương thường hơi bóng và không có lông hay tóc. Đôi khi bề mặt tổn thương có thể sần sùi như dạng u nhú. Vị trí của tổn thương phần lớn phân bố ở vùng đầu – mặt – cổ, ít khi gặp ở thân mình tay chân. Tổn thương thường là riêng lẻ, ít có trường hợp nhiều tổn thương hay tổn thương thành dải như bướu sùi thượng bì.
Giai đoạn 3 (tuổi trưởng thành tới già): Trong giai đoạn này, trên nền bướu tuyến bã có từ trước đó có thể xuất hiện các tổn thương u lành và ác tính, trong đó hay gặp có trichoblastoma, trichilemmoma hay ung thư tế bào đáy, ung thư tuyến bã,…
III. CẬN LÂM SÀNG
1. Mô bệnh học:
Hình ảnh mô bệnh học của bớt tuyến bã cũng rất đa dạng. Phần lớn các trường hợp có hình ảnh tăng sừng, xốp bào và cấu trúc dạng u nhú. Nếu tổn thương ở da đầu, thì không thấy cấu trúc của nang tóc. Ngoài ra còn có thể thấy hình ảnh tăng sinh của nang lông, tuyến bã, tuyến apocrine và eccrine chưa trưởng thành.
2. PCR – HPV (Human Papilloma Virus): có thể dương tính trong một số trường hợp.
IV. CHẨN ĐOÁN
1. Chẩn đoán xác định: Dựa vào lâm sàng và mô bệnh học.
2. Chẩn đoán phân biệt:
2.1 Lichen phẳng thành dải (lichen striatus): thương tổn cơ bản có dạng sẩn tăng sắc tố hoặc màu da, đỉnh phẳng, kích thước từ 1- 3 mm, phân bố thành dải theo đường Blaschko. Bệnh xuất hiện đột ngột và thường tự giới hạn trong vòng 1 - 2 năm. Mô bệnh học có đặc điểm của lichen phẳng, xâm nhập lympho bào dạng lichen ở trung bì, thượng bì có hiện tượng xốp bào và dị sừng.
2.2 Vảy nến thành dải (linear psoriasis): Trong một số trường hợp khó để phân biệt vảy nến thành dải và bướu sùi thượng bì thành dải có tình trạng viêm (là một biến thể của bướu sùi thượng bì) ngay cả trên mô bệnh học. Trong trường hợp này, cần dựa vào nhiều yếu tố như tiền sử gia đình có người bị vảy nến, những tổn thương khác của vảy nến như tổn thương móng hay có đáp ứng với thuốc điều trị vảy nến hay không để phân biệt. Về mô bệnh học, vảy nến thành dải có đầy đủ các đặc điểm của vảy nến.
2.3 Porokeratosis thành dải (linear porokeratosis): Thể hiếm gặp của porokeratosis. Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ. Thương tổn cơ bản có dạng mảng, viền hơi gồ cao và có hiện tượng dày sừng. Hình ảnh mô bệnh học điển hình là “cột lá sừng” (cornoid lamella) - do các tế bào á sừng ép chặt vào nhau.
2.4 Bệnh Darier thành dải (linear Darier disease): Bệnh da di truyền hiếm gặp. Bệnh thường khởi phát ở tuổi dậy thì. Tổn thương cơ bản là tổn thương dạng sẩn màu vàng - nâu hoặc màu da, có dày sừng. Vị trí hay gặp là ở mặt, ngực và lưng. Mô bệnh học có hình ảnh á sừng, dị sừng và ly gai.
2.5 . Bệnh sắc tố dầm dề (incontinentia pigmenti): Là bệnh da di truyền hiếm gặp, do đột biết gen trội nằm trên nhiễm sắc thể X. Bệnh thường xuất hiện ngay từ khi sơ sinh và diễn biến qua 4 giai đoạn: mụn nước – bọng nước, dày sừng và sùi, tăng sắc tố và cuối cùng là teo da, giảm sắc tố.
V. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị:
- Loại bỏ tổn thương.
- Tránh tái phát.
- Đảm bảo về mặt thẩm mỹ và chức năng sau điều trị.
- Lựa chọn phương pháp nào để điều trị cần dựa trên nhiều yếu tố trong đó có nhu cầu điều trị của bệnh nhân, vị trí và mức độ lan toả của tổn thương.
2. Điều trị cụ thể
2.1 Phẫu thuật:
- Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tổn thương theo ranh giới của tổn thương với da lành và cắt bỏ tới tận lớp trung bì sâu (nếu tổn thương ở da đầu, cắt sâu đến cân galia).
- Ưu điểm: Loại bỏ được hoàn bộ tổn thương và tránh tái phát.
- Nhược điểm: Khó thực hiện nếu tổn thương lan toả và kích thước quá lớn. Do đó, phương pháp này chủ yếu được áp dụng với những tổn thương kích thước không quá lớn và khu trú.
- Phương pháp này thường được áp dụng trong bướu tuyến bã, bướu tuyến bã – nang lông, bướu tuyến apocrine và eccrine.
2.2 LASER:
- LASER CO2, đốt điện: được chỉ định cho bướu thượng bì mềm và phẳng, lan rộng, ở vùng không thể phẫu thuật.
- LASER Erbium: yttrium aluminum garnet (Er:YAG): thường đem lại hiệu quả thẩm mỹ hơn, ít để lại sẹo hơn so với LASER CO2, nhưng tỉ lệ khỏi rất thấp.
2.3 Thuốc bôi tại chỗ:
- Kết quả điều trị hạn chế, chủ yếu được coi là điều trị bổ sung nhằm tránh tái phát.
- Các thuốc bôi thường dùng là: corticoid bôi, retinoid bôi, 5 - FU bôi, calcipotriol bôi.
2.4 Thuốc toàn thân: Retinoid uống (isotretinoin, acitretin) có thể được sử dụng trong những trường hợp bớt sùi thượng bì thành dải lan toả toàn thân.
2.5 Các phương pháp điều trị thay thế khác: nạo currete, áp lạnh, lột (peel), bào da,…rất ít được sử dụng vì tỷ lệ khỏi thấp, biến chứng cao.
Mọi chi tiết xin liên hệ TS.BS Phạm Cao Kiêm tại Thẩm mỹ Dr.Kiem. Địa chỉ KC44 Cầu Tân Thuận 1, đường Huỳnh Tấn Phát, Quận 7, TP Hồ Chí Minh.