TRỨNG CÁ MẠCH LƯƠN
(Acne conglobata)
TS. BS Phạm Cao Kiêm
THẾ NÀO LÀ TRỨNG CÁ MẠCH LƯƠN
Trứng cá mạch lươn là một dạng của trứng cá u nang (nodulocystic acne). Vì thương tổn có nhiều xoang, lỗ dò thông với nhau nên gọi là trứng cá mạch lươn. Đây là một thể bệnh nặng của mụn trứng cá với biểu hiện nhiều u, nang, lỗ dò, xoang, tiết dịch, cuối cùng là tạo sẹo mụn. Sẹo mụn gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng tới tâm lý bệnh nhân.
SINH BỆNH HỌC
Người ta chưa biết được nguyên nhân khởi phát bệnh, nhưng các yếu tố sau đây đóng vai trò hình thành bệnh trứng cá mạch lươn.
Vi khuẩn có thể đóng vai trò hình thành trứng cá mạch lươn do tăng nhạy cảm của miễn dịch qua trung gian tế bào với kháng nguyên bề mặt của P.acne.
Hormon androgen, lạm dụng steroid để tăng cơ.
Sử dụng thuốc chứa halogen như thuốc chữa bệnh tuyến giáp, thuốc an thần, lithium.
Có sự liên quan giữa chỉ số trọng lượng cơ thể với mức độ bệnh.
Thương tổn ở mông sẽ nặng hơn do tác động cơ học và môi trường.
Di truyền
Mụn nặng và ít đáp ứng với điều trị trong hội chứng XYY.
Đột biến trong γ-Secretase, p.leu600X gây trứng cá mạch lươn.
Toll like receptor 2 (TLR-2), và TLR-4 đóng vai trò quan trọng trong bệnh trứng cá thông thường.
Sự đa hình thái nucleotid đơn trong TLR-4 có liên quan đến sự nghiêm trọng của bệnh. Trong bệnh trứng cá mạch lươn xuất hiện đột biến proline-serine-threonine phosphotase tương tác với protein1.
LÂM SÀNG
Xuất hiện ở trẻ nam với tần xuất gặp nhiều nhất ở tuổi 18 – 30.
Có nhiều nhân, sẩn, mụn mủ, u cục, nang, các ở áp xe liên kết và đường dò mủ. Nhiều nhân đầu đen, viêm nhiễm lan rộng, da nhạy cảm và sậm màu. Cuối cùng là sẹo lõm hoặc sẹo lồi.
Thương tổn xuất hiện ở mặt, cổ, ngực, lưng, vai, cánh tay, mông và đùi.
Có thể xuất hiện đau hoặc viem đa khớp, có thể xuất hiện đồng thời với các bệnh khác như viêm tuyến mồ hôi mủ.
CHẨN ĐOÁN PHAN BIỆT
Bệnh da do halogen (halogenoderma): bệnh nhân có tiền sử sử dụng halogen. Trên da có nhiều mụn mủ giống mụn trứng cá, mụn nước, viêm mô mỡ dưới da.
Bệnh trứng cá bạo phát: biểu hiện chủ yếu là u, nang, vảy máu, loét, viêm đa khớp, sốt, phì đại gan lách…
Viêm tuyến mồ hôi mủ: biểu hiện là sản mủ, áp xe, lỗ dò ở nách, bẹn.
TIÊN LƯỢNG
Bệnh mãn tính, kéo dài để lại sẹo mụn. Biến dạng hình thể, ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân (cảm giác bị xa lánh, lo âu, trầm cảm).
ĐIỀU TRỊ
Nội khoa
Kháng sinh: tetracycline, doxycycline, minocycline, azithromycin, dapsone.
Prednisolone 40 mg/ngày x 3 – 4 tuần.
Colchisine, cyclosporine.
Hormon: buserelin
TNF alpha.
Thuốc sinh học: etanercept, adalimumab, infliximab, anakinra.
Công nghệ ngoại khoa
Chiếu tia: 2.5 Gy, 8 liều.
Liệu pháp ánh sáng: bôi axit 5-aminolevulinic 5% và chiếu ánh sáng đỏ.
Laser CO2: laser CO2 để mở nang, kết hợp với bôi retinoid.
Phẫu thuật: ghép da, làm sạch đường dò, dẫn lưu mủ.
Tài liệu tham khảo
1. Filiz Canpolat, Gökçe Isil Kurmus, Müzeyyen Gönül (2017), Acne conglobata, Romanian Journal of clinical and experimental dermatology, 68 – 73.
2. Miki Shirakawa, Kristine Uramoto, Frederick A. Harada (2006), Treatment of acne conglobata with infliximab, J Am Acad Dermatol, 55:344-6.
3. Khalil I Al-Hamdi, Anwar Qais Saadoon (2020), Acne Conglobata of the Scalp, Int J Trichology, 12(1): 35–37.