CẮT MÍ MINI
(Partial – incision double eyelides)
TS.BS Phạm Cao Kiêm
Tạo hình mí đôi là kỹ thuật tạo ra một nếp mí nhằm cải thiện hình ảnh bên ngoài của mắt.
Có nhiều cách để tạo ra một nếp mí như đặt vật liệu tạo mí, nhấn mí, phẫu thuật tạo hình nếp mí. Có nhiều loại phẫu thuật tạo nếp mí (cắt mí) như phẫu thuật tạo nếp mí với đường mổ ngắn (Partial – incision double eyelides có tên thương mại là “cắt mí mini deep”), phẫu thuật tạo nếp mí thông thường.
Không có nếp mí được gọi là mắt một mí. Có một nếp mí được gọi là mắt hai mí.
SƠ LƯỢC GIẢI PHẪU MI MẮT TRÊN
Giải phẫu phẫu thuật thẩm mỹ mi trên được mô tả theo các lớp như sau: da và tổ chức cân dưới da, cơ vòng mi, vách ổ mắt, lớp mỡ trước mạc (cân nâng mi trên), cân nâng mi trên, sụn mi, và kết mạc.
Sự khác biệt chính về hình dạng bên ngoài giữa người Châu âu và người Châu á là mắt người Châu á một mí (không có nếp mí), số lượng và vị trí ổ mỡ quanh mắt, xuất hiện nếp quạt ở góc mắt trong.
Nguyên gây mắt một mí là do không hoặc rất ít các sợi liên kết từ mạc nâng mi đến cơ vòng mi và da mi mắt. Ở người Châu âu có mắt hai mí thì vách ổ mắt liên kết với mạc nâng mi từ 5 – 10 mm trên bờ trên sụn mi. Ở người Châu á, vách ổ mắt bám ở ngay bờ trên sụn mi, mô mỡ ra phía trước hơn, mắt nhìn phồng hơn người Châu âu [1].
Nghiên cứu giải phẫu người trên xác, Jeong S thấy sự khác biệt về giải phẫu giữa người Châu âu và người Châu á
Mỡ xuất hiện cả trước và sau bề mặt cơ vòng mi, hiện tượng này không có ở người Châu âu. Mỡ dưới da và dưới cơ người Châu á nhiều hơn.
Người Châu á có lớp xơ mỡ giữa cơ vòng mi và mạc nâng mi, ngược lại người Châu âu có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ vòng mi, mạc nâng mi và da mi.
Vách ổ mắt người Châu Á liên kết với mạc cơ nâng mi thấp hơn người Châu Âu. Ở người Châu Á có nếp mí (mắt hai mí) thì vách ổ mắt liên kết với mạc nâng mi cao hơn ở người không có nếp mí [2].
CHỈ ĐỊNH VÀ CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Chỉ định
Khách muốn cải thiện hình ảnh bên ngoài của mắt.
Khách không có nếp mí hoặc có một phần nếp mí.
Khách mong muốn nếp mí lớn hơn.
Khách trẻ, không thừa da mi trên [3].
Chống chỉ định
Khách lớn tuổi, có thừa da mi trên.
Mắt trũng, mắt lồi.
Khách nữ đang có kinh nguyệt.
Có bệnh toàn thân nặng như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp. Người đang dùng thuốc chống đông như aspirin, chống viêm không steroide (NSAID) [4].
Khách có tâm lý không ổn định, bệnh nhân tâm thần.
Phẫu thuật mí đôi để cải thiện mối quan hệ cá nhân hoặc cải thiện hình ảnh nghề nghiệp, cải thiện tuổi của bệnh nhân.
ƯU NHƯỢC ĐIỂM
Ưu điểm
Kỹ thuật đơn giản.
Tạo ra nếp mí đẹp bền vững.
Tạo được nếp mí theo ý muốn.
Không cần nhiều kinh nghiệm
Thời gian phẫu thuật nhanh
Không cần nghỉ dưỡng sau phẫu thuật[3].
Nhược điểm
Dễ tạo ra nếp da thừa mi trên.
Có thể tạo ra nếp mí ngắn (trong kỹ thuật một đường rạch).
Không được thực hiện ở bệnh nhân có thừa nhiều da mi trên.
CÁC KỸ THUẬT TẠO HÌNH MẮT BẰNG ĐƯỜNG MỔ NGẮN
Có hai kỹ thuật tạo hình mắt hai mí bằng kỹ thuật đường mổ ngắn.
Kỹ thuật tạo hình mắt hai mí bằng một đường mổ ngắn có độ dài từ 0,5 – 1,5 cm ở chính giữa mi trên.
Kỹ thuật tạo hình mắt hai mí bằng nhiều đường mổ ngắn, mỗi đường có kích thước 2 mm ở giữa, trong và ngoài mi mắt.
KHÁM LÂM SÀNG
Vị trí và sự cân đối của lông mày hai bên ?.
Sụp mi hay không ?.
Đánh giá bọng mỡ mắt: nhiều hay ít ?.
Mắt trũng ?, mắt lồi ?.
Vị trí nếp mí: cao hay thấp ?, cân đối hai bên hay không ?.
Hình dạng nếp mí: nếp mí một phần hay toàn bộ ?.
Có sẹo trên nếp mí không ?.
Có bệnh lý gì trên nếp mí ?.
Thừa da mi không ?.
Bệnh lý toàn thân không ?.
TƯ VẤN CHỌN HÌNH DẠNG NẾP MÍ MỚI
Hình dạng nếp mí mới
Nếp mí song song với bờ mi.
Nếp mí mở ra ngoài.
Độ cao nếp mí: bệnh nhân cầm gương. Bác sĩ dùng dụng cụ ấn vào mi trên để định dạng nếp mí sau phẫu thuật.
Bệnh nhân đồng ý với chiều cao và hình dạng nếp mí nào thì phẫu thuật theo kiểu nếp mí đó.
Bác sĩ xác định chiều cao nếp mí cho bệnh nhân dựa vào kích thước mắt, tình trạng da mi trên, tỷ lệ chiều dài hai mắt so với khoảng cách giữa hai góc mắt trong, tuổi, hình dạng và kích thước mặt, nguyện vọng của bệnh nhân.
XÉT NGHIỆM
Đông máu cơ bản
HIV (phải được sự đồng ý của bệnh nhân), giang mai.
Đường máu.
CHẨN ĐOÁN
Chẩn đoán xác định mắt một mí
Chẩn đoán dựa vào khám lâm sàng, quan sát mắt không có nếp mí thì chẩn đoán là mắt một mí.
Chẩn đoán phân biệt
Sụp mí mắt: có thể sụp mí bẩm sinh hoặc sụp mí mắc phải. Bệnh nhân thường có biểu hiện mặt ngửa lên trời, mắt không có nếp mí, mi trên không mở hết cỡ.
Đặt vật liệu tạo mí: mắt có nếp mí là do được đặt vật liệu tạo mí. Cần phải tháo vật liệu tạo mí ra để khám lâm sàng.
Chẩn đoán xác định phương pháp phẫu thuật
Sau khi thăm khám, phân tích đánh giá để xác định có áp dụng kỹ thuật đường mổ ngắn hay không.
CÁC BƯỚC TẠO HÌNH MẮT HAI MÍ MINI DEEP
Xác định chiều cao nếp mí trong phẫu thuật
Có ba cách xác xác định chiều cao nếp mí trong phẫu thuật.
Đo chiều cao của sụn mi trên ở nơi cao nhất (chính giữa sụn mi trên)
Lộn mi trên lên để bộc lộ sụn mi trên, dùng thước để đo chiều cao sụn mi trên. Chiều cao mi mắt mới bằng với chiều cao sụn mi trên. Chiều cao này thông thường là 7 mm [5].
Đo chiều cao mi sau định dạng
Bệnh nhân ở tư thế ngồi thẳng lưng. Sau khi định dạng chiều cao, hình dáng nếp mí thống nhất với bệnh nhân thì đo chiều cao và lấy chiều cao này [6]. Cần chú ý rằng vị trí nếp mí không chỉ phụ thuộc vào ý nguyện của bệnh nhân mà còn phụ thuộc vào cảm giác thẩm mỹ của phẫu thuật viên. Chiều cao nếp mí từ 5 – 7 mm đối với nam và từ 6 – 8 mm đối với nữ [7].
Xác định chiều cao bằng thước khi kéo căng mi trên lên trán
Bệnh nhân nhắm mắt bình thường, dùng ngón tay để kéo da mi trên lên trán với lực căng vừa đủ để mi trên bắt đầu lộn ra ngoài. Chiều cao của mi trên được xác định từ 9 – 12 mm [6].
Thiết kế đường mổ
Thiết kế một đường mổ ngắn
Đồng thời với việc đo, xác định chiều cao mi trên là việc vẽ đường mổ. Có hai loại đường mổ chính.
Đường mổ song song với bờ mi.
Đường mổ mở ra ngoài.
Đường mổ dài khoảng 1,5 cm.
Vẽ bờ trong ngang với bờ đồng tử, kéo dài đường mổ ra bờ ngoài với tổng chiều dài 1,5 cm. Đường mổ dài hơn 2 – 3 mm trong trường hợp bệnh nhân có mi mắt dày, nặng. Mục đích là để mở rộng diện cố định mi mắt, và tạo hình mí mắt vĩnh viễn một cách chắc chắn.
Chiều cao của hai đường mổ cần phải được xác định nhiều lần để đảm bảo mức độ cân đối hai bên trước khi rạch da.
Khoảng cách từ góc mắt trong đến bờ trong đường mổ được đo bằng thước để đảm bảo sự cân đối hai bên.
Đo chiều dài đường mổ hai bên để xác định chúng đã bằng nhau hay chưa.
Thiết kế nhiều đường mổ ngắn
Về nguyên tắc thì việc thiết kế nhiều đường mổ ngắn cũng phải theo nguyên tắc cân đối hài hòa hai bên về chiều cao, độ dài, vị trí đường mổ.
Mỗi đường mổ có chiều dài 2 - 4 mm nếu thiết kế 4 đường mổ ngắn [8], dài 3 – 4 mm nếu thiết kế 3 đường mổ ngắn [7].
Đường mổ phía trong cách bờ góc mắt trong 5 mm, đường mổ phía ngoài cách góc mắt ngoài 5 mm, một hoặc hai đường mổ giữa chia đều khoảng cách giữa đường mổ trong và đường mổ ngoài [8].
Gây tê
Thường dùng lidocain 1% có pha 1/100.000 epinephrine.
Tốt nhất dùng bơm tiêm 1 ml.
Tiêm thuốc tê hai bên với lượng tương đương để tránh gây sưng phồng không đều. Thông thường tiêm từ 0,3 – 0,5 ml thuốc tê mỗi bên mi mắt. Đợi 10 phút sau tiêm để co mạch hạn chế chảy máu trong lúc phẫu thuật.
Phẫu thuật
Phẫu thuật một đường mổ ngắn
Rạch da: rạch da theo hình vẽ, độ dài đường rạch da từ 1,5 – 1,7 cm.
Cắt cơ vòng mi:
Rạch cơ vòng mi trên: dùng giao mổ hoặc kéo rạch hoặc tách dọc theo thớ cơ vòng mi trên để bộc lộ vách ổ mắt và mạc cơ nâng mi trên.
Cắt một phần cơ vòng mi trên: sử dụng kéo phẫu thuật để cắt cơ vòng mi. Cắt phần cơ vòng mi ở trước mạc nâng mi trên, ngay dưới đường rạch da, rộng khoảng 2 mm, cắt từ góc mắt trong đến góc mắt ngoài để bộc lộ mạc nâng mi trên và vách ổ mắt.
Cắt mỡ: trong trường hợp dư thừa mỡ mi trên. Dùng kéo phẫu thuật mở vách ổ mắt, Tiêm thuốc tê bổ xung vào khối mỡ, dùng panh kẹp khối mỡ, cắt bỏ mỡ dư thừa, đốt điện cầm máu diện cắt.
Cần phân biệt túi mỡ với tuyến lệ, túi mỡ có màu vàng nhạt, mềm. Ngược lại tuyến lệ có màu đỏ nâu nhạt, chắc. Nếu cắt tuyến lệ sẽ gây giảm hoặc khô mắt sau phẫu thuật.
Cầm máu: có 3 điểm cần chú ý
Cần chú cầm máu nếu cắt phải động mạch vòng mi trên ở góc mắt ngoài. Đây là vị trí hay gây chảy máu trong và sau phẫu thuật.
Chỉ được tháo bỏ panh kẹp khối mỡ sau khi đốt điện cầm máu vì nếu không đốt cầm máu thì mạch máu tại khối mỡ có thể gây chảy máu ngay hoặc sau mổ.
Bảo vệ tối đa mạng mạch máu trước sụn, trước mạc nâng cơ mi trên.
Cách tốt nhất là dùng đầu đốt lưỡng cực với công suất thấp để cầm máu.
Cũng có thể cầm máu bằng cách ép nhẹ, chờ 3 – 5 phút để cầm máu tự nhiên nếu chỉ có rỉ máu.
Khâu vết mổ: có hai kỹ thuật khâu phổ biến
Khâu vào sụn mi trên: khâu bờ da mi trên và mi dưới với sụn mi trên. Kỹ thuật này áp dụng trong trường hợp sụn mi trên quá lớn không thể khâu vào mạc nâng cơ mi trên. Nhược điểm chính của kỹ thuật khâu này là nếp mi không tự nhiên sau phẫu thuật (khi nhắm mắt vẫn còn nếp mí) [9].
Khâu vào mạc cơ nâng mi trên: đây là kỹ thuật khâu mi phổ biến vì có ưu điểm là tạo ra nếp mi tự nhiên sau phẫu thuật (không có nếp mí khi nhắm mắt). Khâu hai bờ da vết mổ với mạc cơ nâng mi trên.
Kiểm tra vị trí mạc cơ nâng mi bằng cách dùng kẹp phẫu tích kẹp vào tổ chức trước trên sụn mi, kéo ra trước và xuống dưới đồng thời hướng dẫn bệnh nhân mở mắt. Nếu kẹp đúng vào mạc cơ nâng mi trên thì bệnh nhân rất khó mở mắt, phẫu thuật viên cảm thấy có lực kéo lên trên vào trong ở đầu kẹp phẫu tích.
Luôn kiểm tra trước khi khâu tra để đảm bảo khâu đúng vào vị trí mạc cơ nâng mi trên, đặc biệt là ở góc mắt ngoài và góc mắt trong.
Hai phương pháp khâu này dùng chỉ không tiêu 6/0 hoặc 7/0 [9].
Khâu cố định: để tăng mức độ ổn định mí sau phẫu thuật, một số tác giả khâu khâu cố định bờ vết mổ với mạc sụn mi hoặc mạc cơ nâng mo bằng chỉ không tiêu, tương tự như nhấn mí mở.
Phẫu thuật nhiều đường mổ ngắn
Rạch da: rạch da theo hình vẽ, độ dài đường rạch da từ 2- 4 mm phụ thuộc vào việc thiết kế 3 hay 4 đường mổ ngắn.
Cắt cơ vòng mi: sử dụng kéo phẫu thuật mắt để cắt cơ vòng mi. Cắt phần cơ vòng mi ở trước sụn, ngay dưới đường rạch da, rộng khoảng 2 mm, cắt từ góc mắt trong đến góc mắt ngoài để bộc lộ mạc nâng mi trên.
Cắt mỡ: trong trường hợp dư thừa mỡ mi trên. Dùng kéo phẫu thuật mắt mở vách ổ mắt, dùng ngón tay đè nhẹ lên mi mắt để khối mỡ dư chồi ra ngoài. Tiêm thuốc tê bổ xung vào khối mỡ, dùng panh kẹp khối mỡ, cắt bỏ mỡ dư thừa, đốt điện cầm máu.
Cầm máu: Việc cầm máu với kỹ thuật nhiều đường mổ ngắn phức tạp hơn nhiều so với một đường mổ ngắn. Phẫu thuật viên cần thận trọng bảo vệ tổ chức xung quanh nơi chảy máu trước khi quyết định đốt điện cầm máu.
Cũng có thể cầm máu bằng cách ép nhẹ, chờ 3 – 5 phút để cầm máu tự nhiên nếu chỉ có rỉ máu.
Khâu vết mổ: tương tự như kỹ thuật khâu một đường mổ ngắn. Tuy nhiên việc bộc lộ và khâu vào mạc cơ nâng mi trên khó khăn hơn so với kỹ thuật một đường mổ ngắn vì phẫu trường rất hẹp.
Khâu cố định: giống như kỹ thuật cố định một đường mổ ngắn.
CHĂM SÓC SAU PHẪU THUẬT
Chườm lạnh 15 – 60 phút/lần trong 48 giờ sau mổ để giảm phù nề. Chườm nóng ngày thứ 3 – 5 để giảm bầm tím.
Kháng sinh phổ rộng, thuốc giảm đau, chống phù nề.
Cắt chỉ sau mổ 5 – 7 ngày.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Marilyn Q. Nguyen, P.W.H., Tue A. Dinh (2009),, Asian Blepharoplasty,. Semin Plast Surg;, 2009. 23: p. 185 – 197.
2. Jeong S, L.B., Dortzbach RK, Park YG, Kang HK (1999),, The Asian upper eyelid: an anatomical study with comparison to the Caucasian eyelid, . Arch Ophthalmol, 1999. 117: p. 907 – 912.
3. Arthi Kruavit (2009), Asian Blepharoplasty: An 18-Year Experience in 6215 Patients, . Aesthetic Surg J, , 2009. 29: p. 272 – 283.
4. Juan Diego Mejia, F.M.E.F.N., Visual Loss After Blepharoplasty: Incidence, Management, and Preventive Measures, . Aesthetic Surgery Journal,, 2011. 31(1): p. 21 – 29.
5. Suzie H. Chang, W.P.C., In Chang Cho at al (2014), , Comprehensive Review of Asian Cosmetic Upper Eyelid Oculoplastic Surgery: Asian Blepharoplasty and the Like, . Aesthetic Plast Surg; , 2014. 20(3): p. 129 – 139.
6. Samuel M. Lam, Y.-K.K., Partial-incision Technique for Creation of the Double Eyelid,. Aesthetic Surg J,, 2003. 23: p. 170 - 176.
7. Zhou Jinghe, M., * Xu Huifang, MD,Þ Wu Lihong, MD,* Chen Shisheng, MD,þ and Fan Xiling (2014),, Three Mini-Incision Double-Eyelid Blepharoplasty,. Ann Plast Surg,, 2014. 72: p. 141Y144.
8. Xiaogen Hu, H.M., Zhiqiang Xue, Huijie Qi, Bo Chen, Yang Zhou, Wengang Huang (2016),, A modified mini-incisional technique for double-eyelid blepharoplasty,. Plast Surg, 2016. 24(2): p. 80 - 82.
9. William PD Chen (2016), External incision mrthods. Asian blepharoplasty and the Eyelid Crease. 2016,. 67.
10. Chau-Jin Weng (2009), Oriental Upper Blepharoplasty,. Semin Plast Surg,, 2009. 23: p. 5 – 15.